Quả đúng như vậy, chiếc máy ủi cũ kĩ ấy mang trong mình câu chuyện khởi nghiệp của người khai sinh ra Khu du lịch sinh thái Thung Nham. Vì lẽ đó, không sai khi nói đây là chiếc máy ủi “có sức mạnh” – sức mạnh của trí tuệ và trí lực kiên cường, bền bỉ đã biến vùng thung lũng hoang vu, sình lầy thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh Ninh Bình.
Năm 1999, ông Phạm Công Chất – chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Thung Nham (hiện là giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh), khi ấy còn là chàng trai trẻ, trong một lần phiêu lưu cùng nhóm bạn vào Thung Nham, phát hiện ra một vùng thung lũng rộng lớn, tốt tươi – ông đã nảy ra ý định gây dựng một mô hình kinh tế nông trang tổng hợp. Giấc mơ khai hoang lập địa được ấp ủ cháy bỏng trong lòng chàng thanh niên trẻ.
Tuy nhiên, địa hình địa thế khó khăn, thung lũng rậm rạp bao quanh bởi núi rừng, chỉ có duy nhất một cách để ra vào là đi thuyền bằng đường thủy, chui qua hang động – mà ngày nay là hang Bụt. Một phần vì địa hình cản trở – phần lớn hơn vì chưa có nhiều vốn liếng – lúc ấy trong tay chàng thanh niên Phạm Công Chất không có thứ công cụ máy móc gì hỗ trợ – ngoài một chú trâu. Người và trâu ngày đêm miệt mài chăm chỉ, vất vả kéo từng xe đất, đi từng đường cày,… Lúc ấy, ông chỉ ước sao có được một chiếc máy ủi, để đẩy nhanh tiến độ công việc và giảm bớt sức nặng cho anh em công nhân.