Cố đô Hoa Lư – Dấu ấn vàng son của dân tộc Việt

Cố đô Hoa Lư là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Ninh Bình mà bạn không nên bỏ lỡ. Không chỉ được biết đến là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Mà cố đô Hoa Lư còn cuốn hút bước chân của những ai mê xê dịch với vẻ đẹp núi non hùng vĩ tráng lệ. 

Mục lục

1. Đôi nét về Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là một quần thể kiến trúc, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Đồng thời, UNESCO cũng đã công nhận cố đô Hoa Lư là 1 trong 4 vùng lõi thuộc quần thể di sản thiên nhiên – văn hóa thế giới Tràng An. Hoa Lư là kinh đô của nước ta ngay sau khi kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc trường kỳ. Theo sử sách ghi chép lại, Hoa Lư là nơi đặt kinh đô của hai triều đại nhà Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 – 1009). Còn nhà Lý chỉ tạm đóng đô tại Hoa Lư 1 năm (1009 – 1010) trước khi dời đến Đại La (Hà Nội). 

Trải qua 1.100 năm lịch sử đầy biến động. Cố đô Hoa Lư chính là nhân chứng sống hung hồn nhất cho trang sử dân tộc Việt Nam. Những di tích, đền thờ, lăng mộ, chùa chiền chính là vết tích lịch sử còn sót lại. Ngoài tìm hiểu những sự kiện lịch sử và các vị anh hung thời đại xưa, thăm quan Cố đô Hoa Lư Ninh Bình còn là dịp để bạn tận hưởng vẻ đẹp và bầu không khí cổ kính tại vùng đất địa linh nhân kiệt này.

  • Địa chỉ cố đô Hoa Lư: xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
  • Giá vé tham quan: 20.000 VNĐ/ người

Đền thờ vua Lê Đại Hành – Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

2. Phương tiện di chuyển đến Cố đô Hoa Lư

Từ trung tâm TP Hà Nội, bạn cần phải di chuyển quãng đường khoảng 96km là sẽ đến cố đô Hoa Lư. Còn nếu khởi hành từ trung tâm TP Ninh Bình, quãng đường di chuyển sẽ chỉ khoảng 15km. Các phương tiện mà bạn có thể dùng để di chuyển từ Hà Nội đến Ninh Bình, đó là:

  • Xe máy: Sẽ phù hợp nếu bạn có thể lực tốt đồng thời muốn tự túc khám phá các cung đường đầy nắng và gió. Chúng ta sẽ mất khoảng 1.5 tiếng để di chuyển đến Cố đô Hoa Lư.
  • Xe khách hoặc xe limousine: Phương tiện di chuyển phổ biến thứ hai là xe khách. Chúng ta có thể bắt được xe ngay bến Giáp Bát, Mỹ Đình và mất khoảng 60’ di chuyển. Sau đó từ trung tâm thành phố Ninh Bình bạn phải bắt thêm một chuyến xe ôm/ taxi để đến Cố đô Hoa Lư. Hoặc đi xe Khánh An limousine đón trả tận nơi 19008629.

3. Du lịch Cố đô Hoa Lư thời điểm nào đẹp nhất

Cố đô Hoa Lư vốn là nơi tổ chức các lễ hội đặc sắc nhằm tưởng nhớ những vị vua có công dựng và cứu nước thời xa xưa. Chính vì thế, để có những trải nghiệm ý nghĩa nhất, bạn nên ghé thăm Hoa Lư vào mùa khô thay vì vào các mùa mưa lớn, cụ thể là những thời điểm dưới đây:

  • Dịp đầu xuân: Sau Tết âm lịch, người dân cố đô Hoa Lư Ninh Bình sẽ tổ chức vô vàn các lễ hội truyền thống đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ, điển hình như lễ hội Báo Bản Nộn Khê, lễ hội Đền La,…
  • Tháng 5: Không chỉ là thời điểm có thời tiết khí hậu dễ chịu, cuối tháng 5 tại Ninh Bình còn là mùa lúa chín, giúp bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của cánh đồng lúa vào độ trĩu hạt, chín vàng khi kết hợp tham quan các địa điểm khác như Tam Cốc, Hang Múa,…
  • Tháng 3: Thời điểm diễn ra lễ hội Trường Yên, hay còn được gọi là lễ hội Cờ Lau – một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất của cố đô Hoa Lư và diễn ra hằng năm từ ngày 8 – 10 vào tháng 3 âm lịch.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

4. Dấu ấn kinh đô Hoa Lư xưa

4.1. Đền vua Đinh Tiên Hoàng

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, đổi niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta sau thời phương Bắc thống trị và cũng là người đã chọn Hoa Lư làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt năm xưa.

Nơi đây nổi bật lối kiến ​​trúc xưa được tái hiện qua những công trình điêu khắc phức tạp bằng đá xanh, khuôn viên rộng với dãy núi Mã Yên sừng sững phía trước. Đây chắc chắn sẽ là nơi bạn lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến hành trình này.

4.2. Đền vua Lê Đại Hành

Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân dưới thời Đinh Tiên Hoàng, sau được tôn vinh là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc ta vì có công đánh đuổi quân Tống giữ nước.

Khi lên ngôi Hoàng đế, ông lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê, trị vì Đại Cồ Việt trong 24 năm. Đền thờ vua Lê Đại Hành quay mặt ra quảng trường lớn Hoa Lư, phía sau có hào nước dùng để trấn giữ kinh đô xưa. Tuy có diện tích nhỏ hơn đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng nhưng ngôi đền này vẫn làm say lòng du khách bởi sự thanh bình.

4.3. Hoa Lư tứ trấn

Hoa Lư tứ trấn là nơi thờ cúng các vị thần thành hoàng trấn giữ 3 vòng thành của Cố Đô và tưởng nhớ các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Tứ trấn bao gồm:

4.3.1. Trấn Đông: Thờ Thần Thiên Tôn

Đây là vị thần được vua Đinh tế lễ trước khi đi dẹp loạn 12 sứ quân với mong muốn được thần giúp đỡ. Tương truyền Thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, mang thai và sinh ra. Khi lớn lên hoàng tử sở hữu sức mạnh dũng mãnh hơn người vang danh khắp thiên hạ. 

Sau 42 năm tu luyện tại núi Dũng Dương (Hoa Lư) thì đắc đạo, được Ngọc Hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân với khả năng bay lượn, biến hóa, trừ tà ma quỷ quái.

Thiên Tôn là vùng đất “Tú Thủy Kỳ Sơn”, với địa thế núi sông hòa phối, công thủ vững vàng, do vậy sau khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn đóng đô tại Hoa Lư và cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài làm nơi đón tiếp sứ thần nước ngoài. 

4.3.2. Trấn Tây: Thần Cao Sơn

Đền thờ Thần Cao Sơn thuộc khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Theo như thần tích, Thần Cao Sơn là người con thứ 17 của vua Lạc Long Quân. Ông là người có công trong việc giúp đỡ dân an cư lập nghiệp, chống lại những thế lực phá hoại, được phong Lạc tướng Vũ Lâm và lập đền thờ từ hướng tây trên núi Đính.

Trong thời gian đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, Cao Sơn Đại Vương cũng là người có công tìm ra một loại cây quý mà bột của thân cây có thể dùng làm bánh thay thế bột gạo và ông đã lấy tên mình đặt tên cây là Quang Lang.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

4.3.3. Trấn Nam: Thần Quý Minh

Ngày nay là đền Trần hay còn có tên gọi khác là đền Nội Lâm. Truyền thuyết kể lại rằng Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là vị thủy thần có công trong việc trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ non sông bờ cõi dưới thời vua Hùng thứ 18. 

Nhờ có công lớn nên Thần Quý Minh được phong là thượng đẳng thần, nhận sắc phong qua nhiều triều đại và được nhân dân xứ này thờ phụng. Sau này đền chính được vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng ở thành Nam Cố Đô (Tràng An ngày nay), đến thời vua Trần Thái Tông thì được xây dựng lại và giữ nguyên cho đến nay.

4.3.4 Trấn Bắc: Thần Không Lộ 

Đền thờ Không Lộ thiền sư Nguyễn Minh Không hay đền Đức Thánh Nguyễn là một ngôi đền cổ thuộc địa phận xã Gia Thắng và xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn. Nơi đây thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, ông là một nhà cao tăng tài cao đức trọng của triều Lý, được phong tước hiệu Lý Quốc Sư. 

Đền thờ được xây dựng trên ngôi chùa có tên là Viên Quang do chính thiền sư Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121. Khi ông mất nhân dân tưởng nhớ đến công lao và đổi tên chùa thành đền thờ Đức Thánh Nguyễn. 

Bên cạnh đó,còn ông là người có công lớn trong việc tìm hiểu về kỹ thuật nung, pha chế đồng và phục chế nghề đúc đồng (tinh hoa văn minh của Đông Sơn và Việt Cổ).Tương truyền vị thần Không Lộ có thể đi lại bay lượn trên không, có thể tạo ra hòn núi, hang động, hồ đầm.

5. Lễ hội Hoa Lư

5.1. Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương

Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương được tổ chức vào ngày 18/03 âm lịch hằng năm tại Tràng An Ninh Bình. Đây là lễ hội thờ tụng thần Quý Minh, ông là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ theo tín ngưỡng dân gian.

Khi đến tham gia lễ hội Hoa Lư, du khách bốn phương sẽ có cơ hội tham gia lễ rước nước, tế lễ và lễ phóng sinh trên sông. Với hàng nghìn chiếc thuyền nhiều màu sắc, đi xuyên qua hơn 11 hang động trên sông Sào Khê. Sau đó, đoàn thuyền sẽ chia làm đôi, một nửa sẽ cập bến, nửa còn lại tiếp tục hành trình hơn 3km để về đền Nội Lâm và cử hành nghi thức tế lễ. 

 

Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình

Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương – Ảnh: Internet

Lễ hội đền Thái Vi diễn ra trong khoảng từ ngày 14 – 17/03 âm lịch hàng năm, xuôi dòng về cố đô để tưởng nhớ các vị vua Trần

Ảnh: Internet

5.2. Lễ hội Đền Thái Vi

Lễ hội Đền Thái Vi Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị vua nhà Trần có công lao lớn lao trong quá trình xây dựng và giữ nước. Nổi bật nhất ở lễ hội là lễ rước kiệu với sự tham gia của hơn 30 đoàn người ở Hoa Lư, Ninh Bình. 

Không kém phần quan trọng chính là nghi thức tế lễ thiêng liêng được tổ chức trước đền Thái Vi. Cuối cùng là phần hội với các trò chơi dân gian hấp dẫn, đầy đặc sắc như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người,…

5.3. Lễ hội Trường Yên

Lễ hội Trường Yên được tổ chức từ mùng 10 – 13/03 âm lịch hằng năm, tưởng nhớ đến công lao của hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, những vị anh hùng dân tộc đã góp phần lớn lao trong việc sáng lập và phát triển đất nước ngày trước.

Lễ hội Trường Yên gồm 2 phần: Phần lễ là phần rước nước, diễn ra ở bến Trường Yên, sông Hoàng Long và được tổ chức một cách trang nghiêm ngay trước đền thờ vua Đinh và vua Lê. Phần hội sẽ diễn ra với nhiều trò chơi như Cờ lau tập trận, viết chữ nho, cờ tướng, người đẹp văn hóa Hoa Lư,…

6. Cố đô Hoa Lư có đặc sản gì?

  • Thịt dê: dê núi ở Ninh Bình là món ăn đặc sản đến với Ninh Bình ai cũng phải thử từ thịt dê được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như dê nướng, dê tái chanh, dê hấp, nem dê, tiết canh dê, cháo dê,… những món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn cực kỳ bổ dưỡng cho sức khỏe.
  • Cơm cháy: là món ăn nổi tiếng của vùng đất cố đô, đã có từ lâu đời, với nguồn nguyên liệu gần gũi với người dân được tạo ra bởi bàn tay khéo léo đã chế biết thành món ăn đặc sản vô cùng hấp dẫn như bây giờ. Người dân địa phương còn có thói quen ăn cơm cháy với nước sốt dê núi nước sốt được là từ thịt dê núi có vị ngon đậm đà. Trong chuyến đi Ninh Bình của mình mọi người có thể ghé qua các nhà hang: Thung Nham Restaurant, Chính Thư, Tụng Dung,… để thưởng thức cũng như mua một ít về làm quà cho gia đình và bạn bè.
  • Gỏi cá nhệch: Cá nhệch là loài cá thân dài giống như con lươn thân rất trơn, thường sống vùng nước lợ và nước ngọt. Kim Sơn Ninh Bình có thể được coi là nơi chế biến gỏi nhệch ngon nhất của vùng Bắc Bộ. Cách chế biến gỏi nhệch rất công phu: Khi mang về Nhệch được người chế biến xát muối hoặc cho để bỏ hết toàn bộ lớp da trơn của cá. Tiếp đến cắt tiết và làm sạch vùng bụng bên trong và lọc toàn bộ phần thịt của cá ra khỏi xương. Thịt cá được bóp cùng với 1 số loại gia vị chuyên dụng để giữ mùi hương và độ ngọt của cá.

Ẩm thực chuyên dê

Nhà hàng Thung Nham

Mùa vàng Tam Cốc – Ảnh: Internet

7. Các điểm gần Cố đô Hoa Lư

8. Lưu trú ở Cố đô Hoa Lư

Có rất nhiều khách sạn, homestay với chi phí hợp lý, đa dạng các loại phòng để quý du khách lựa chọn:

  • Thung Nham Resort – Khu du lịch sinh thái Thung Nham: thôn hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư
  • An’s Eco Garden: thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất
  • Toki Cottage: thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư

9. Lưu ý khi đi Cố đô Hoa Lư

Để giúp chuyến du lịch đến Hoa Lư Ninh Bình thêm phần thú vị và trọn vẹn, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Cố đô Hoa Lư là một khu di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh nổi tiếng, vì thế bạn cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, đồng thời phải giữ trật tự, tôn nghiêm, không được xả rác bừa bãi khi tham quan địa điểm du lịch này.
  • Vì đa phần bạn sẽ tham quan khu cố đô ở ngoài trời, do đó bạn nên mang theo nón, kem chống nắng, nước lọc và một số vật dụng cần thiết khác giúp hạn chế sự bất tiện vì thời tiết nắng nóng, khó chịu.
  • Nếu du lịch theo đoàn, bạn cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên và ban quản lý di tích cố đô, đồng thời nên trò chuyện với ban quản lý trực tiếp để hiểu sâu hơn về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của khu di tích.

Không giống với bất kỳ một danh thắng nào khác, khu di tích cố đô Hoa Lư Ninh Bình không chỉ là một chuyến đi để du ngoạn mà chúng còn mang đến những kiến thức bổ ích, sâu rộng về các thời đại vua chúa, những người đã có công gây dựng nên đất nước. Du lịch không chỉ là việc chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, những món ăn đặc sản mà còn là để nhìn lại lịch sử, các di tích – văn hóa của nước nhà.

Các ưu đãi đang áp dụng
Đặt lịch online